Theo ông Chung, để thực hiện việc trên, tại các tuyến đường, QL và nút giao thông lớn sẽ được trang bị hệ thống camera thông minh. Ngoài giám sát giao thông, hệ thống còn có nhiệm vụ ghi lại hình ảnh xe vi phạm rồi chuyển về trung tâm.
Việc nộp phạt của chủ xe được diễn ra theo các hướng: chủ xe đến nộp trực tiếp sau khi nhận được giấy báo hoặc khi đưa xe đi đăng kiểm theo định kỳ. Ô tô là loại hình phương tiện được Giám đốc CATP Hà Nội lựa chọn để triển khai thí điểm đầu tiên.
Đánh giá về đề xuất này, nhiều chuyên gia và nhà quản lý giao thông tại Hà Nội cho rằng, đây là giải pháp tốt, phù hợp với xu thế phát triển. Nếu thực hiện được không những nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân mà còn làm cho bộ mặt Thủ đô văn minh hơn.
Đây cũng là phương án được các nước phát triển trên thế giới áp dụng và rất thành công. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, hiện có hơn 50% phương tiện lưu thông trên đường ở Việt Nam là xe không chính chủ, điều đó làm cho giấy tờ tùy thân của người điều khiển phương tiện không khớp với đăng ký xe; hơn nữa quyết định xử phạt hành chính chỉ là quyết định dân sự không phải hình sự nên người vi phạm vẫn tìm cách né tránh. Những yếu tố này đang khiến kế hoạch trên rất khó triển khai.
Đại tá Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, Bộ Công an cho rằng, việc xử phạt nguội qua hình ảnh đã được Cục thực hiện trên QL 1 đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Cần Thơ hơn một năm nay, tuy nhiên chế tài xử phạt qua tài khoản vẫn chưa có, do vậy xử lý các trường hợp xe không chính chủ đang gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Ngoài xử phạt trực tiếp nếu vi phạm qua hình ảnh, tới đây xe không chính chủ còn phải đi làm lại thủ tục.
Ở góc độ hạ tầng, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện trên toàn TP hơn 2.150 nút giao thông, trong đó mới chỉ hơn 30 nút được TP trang bị camera, 52 nút được trang bị camera của kênh VOV.
Tuy nhiên các camera này chỉ có nhiệm vụ giám sát, theo dõi giao thông. Để có thể ghi và lưu lại hình ảnh rõ nét phục vụ việc xử phạt vi phạm giao thông, hệ thống này cần phải được nâng cấp hoặc thay thế mới.
Khu vực cửa ngõ, Quốc lộ làm trước
Chiều 3/4, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT (PC67), CATP Hà Nội cho biết: "Dựa trên hạ tầng đã có, hiện CSGT Hà Nội đang phối hợp Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) triển khai xử lý vi phạm nguội thông qua hệ thống camera giám sát trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình (QL1A); tuyến Hà Nội - Hải Phòng (QL5) và Hà Nội - Lạng Sơn (QL1)".
Theo ông Thắng, năm 2013, qua hệ thống camera giám sát trên, CSGT đã xử lý 460 trường hợp vi phạm, tạm giữ 460 bộ giấy tờ, tước 102 bộ GPLX, gửi 113 thông báo vi phạm về cơ quan, địa phương có người vi phạm.
Về việc triển khai xử lý vi phạm nguội qua hệ thống camera mà lãnh đạo CATP có chủ trương, ông Thắng cho biết: "PC67 đang thống kê, lên danh sách các khu vực trọng điểm như QL, cửa ngõ Thủ đô… Tại các khu vực này sẽ được bố trí camera theo dõi, giám sát. Các lỗi được CSGT tập trung xử lý là vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đường một chiều, đỗ dừng sai quy định…".
Về việc người dân lo lắng khi thủ tục xử phạt qua hình ảnh rườm rà, đi lại mất thời gian, nhất là với các xe không chính chủ? Ông Thắng lý giải: "Với các xe vi phạm đầy đủ giấy tờ CSGT sẽ ra quyết định xử phạt và gửi thông báo theo thời gian quy định là 7 ngày; với các xe không chính chủ, sau khi CSGT xác minh sẽ ghi vào hệ thống sổ nhật trình điện tử của camera".
Trường hợp các phương tiện đi qua khu vực này tiếp tục vi phạm lần 2 hệ thống sẽ phát thông báo, từ đó tổ CSGT trực trên đường có nhiệm vụ giữ phương tiện, người lái lại.
Theo Tiền Phong
Like haivl trên Facebook để được cười nhiều hơn nhé ^^
Bình luận Báo cáo vi phạm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét